Tin tức

NGƯỜI VIỆT TRẢ TIỀN ĐỂ BỊ ĐẦU ĐỘC?

“Vườn rau này để nhà ăn, vườn rau kia phun thuốc sâu để bán ra thị trường” là điều có thật và là biểu tượng của vấn nạn đạo đức xã hội hiện tại. Để chống chọi, từng cá nhân và gia đình đang phải tự bảo vệ mình theo cách riêng như làm một cái vườn nho nhỏ, hoặc nhờ bố  mẹ, người quen ở quê gửi thực phẩm sạch lên cho mình. Tuy nhiên, việc từng cá nhân “xây thành đắp lũy” ngăn cái xấu đang tràn lan trong xã hội cũng chỉ giống như “Dã tràng xe cát biển Đông”. Trong một nền kinh tế thị trường việc “tự cung tự cấp” là điều không thể và ăn thực phẩm bẩn là hiển nhiên vì “không còn lựa chọn nào khác”. Chính vì vậy, hàng người xếp hàng trước cổng bệnh viện Ung bướu ngày càng dài ra. Độ tuổi mắc bệnh ung thư ngày càng trẻ lên, và độ che phủ của bệnh tật ngày càng cao khi hiếm gia đình nào không có ai đó bị chết vì ngộ độc thức ăn hoặc mắc bệnh ung thư.
Ảnh: chợ quê nơi vẫn bán thực phẩm sạch (nguồn: internet)

Tại sao người Việt Nam đang chết dần chết mòn vì thực phẩm bẩn mà chúng ta vẫn chấp nhận “sống chung với lũ”? Tại sao biết việc bán thực phẩm bẩn cho khách hàng, những người mang lại lợi nhuận nuôi gia đình mình, là xấu nhưng vẫn làm? Có phải đạo đức xã hội đã đổ vỡ đến mức con người không còn áy náy khi làm hại người khác để thu vén cá nhân? Đâu là nguyên nhân của hiện tượng này?

Điều đầu tiên là trách nhiệm của nhà nước trong việc quản lý thị trường thực phẩm. Nhà nước được trao quyền thu thuế và thực thi pháp luật. Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo lợi ích công, trong trường hợp này là an toàn thực phẩm cho tất cả mọi người. Ai vi phạm sẽ bị phạt hoặc xử theo pháp luật để mang tính răn đe. Vai trò răn đe của pháp luật rất quan trọng, nó ngăn cản hành vi xấu, có hại không phát triển. Nếu người thực thi pháp luật không nghiêm minh, tham nhũng, mọi người sẽ “nhờn” và hành vi sai phạm sẽ trở thành phổ biến. Khi đó, không năng lực nào của nhà nước có thể giải quyết được vì điều xấu đã thắng thế, lan khắp và trở thành giá trị mới.

Ngoài pháp luật, xã hội còn vận hành hay tự vận hành trong cuộc sống dân sự. Đây chính là môi trường để con người học phân biệt cái đúng với cái sai. Trong xã hội dân sự có nhiều thể chế khác nhau để giúp con người hướng tới cái thiện như các tổ chức tôn giáo, hội phường, cộng đồng hoặc tổ nhóm. Ví dụ trong một môi trường làng xã mọi người có mối quan hệ thân thiết, việc bán sản phẩm bẩn cho người khác dễ dàng bị phát hiện, tẩy chay nên không ai dám làm điều đó. Trong cộng đồng theo đạo Phật, mọi người tin vào thuyết nhân quả, tu nhân tích đức và tránh làm việc ác có hại cho người khác. Tuy nhiên, quá trình “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” nền kinh tế cũng như “chính trị hóa” cuộc sống dân sự đã làm cho xã hội mất sức đề kháng với cái xấu và cạn kiệt dung môi để nuôi dưỡng cái tốt.

Mô hình phát triển kinh tế tập trung vào tăng trưởng đã làm đảo lộn xã hội Việt Nam, phá vỡ nền tảng văn hóa và đạo đức của cộng đồng. Việc coi nông nghiệp và nông thôn là “lạc hậu, nghèo đói” đã dẫn đến việc đầu tư vào công nghiệp nặng và đô thị. Các chính sách đầu tư không những bỏ rơi nông thôn và nông dân, mà còn hút nguồn lực khỏi nông nghiệp và nông thôn, dẫn đến việc nông dân di cư ra thành thị, vào các khu công nghiệp. Điều này bào mòn cộng đồng làng xã tồn tại lâu đời ở nông thôn và phá vỡ cộng đồng đô thị ở thành phố. Những người bán rau không còn bán rau cho người trong cộng đồng làng quê của mình nữa, mà cho khách hàng là ai đó ở thành thị hoặc trong khu công nghiệp. Người mua rau cũng không mua từ ai trong cộng đồng của họ nữa, mà mua từ người từ vùng quê khác. Người dân như những cá thể hoạt động độc lập bị dẫn dắt bởi lợi ích cá nhân của mình hơn là công lý. Họ thiếu những cấu trúc cộng đồng để kiểm soát cái xấu trong xã hội cũng như trong bản thân mình. Chính vì vậy, họ bán thực phẩm bẩn cho nhau, và tất cả mọi người trở thành nạn nhân của chính mình.

Trong khi đó, các tổ chức quần chúng như Hội phụ nữ, Hội nông dân là các tổ chức chính trị xã hội, không ưu tiên bảo vệ lợi ích của người dân trong an toàn thực phẩm, cũng như chăm lo đạo đức xã hội. Họ mải mê tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước, giữ vững “ổn định xã hội” hơn là giải quyết vấn đề thiết thân của người dân. Các tổ chức xã hội dân sự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, các tổ chức cộng đồng bảo vệ các giá trị liêm chính trong việc sản xuất, kinh doanh và mua bán thực phẩm không được hình thành và phát triển. Cộng với sự yếu kém, bất lực, thậm chí là tham nhũng của cơ quan quản lý nhà nước trong vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm soát hàng hóa nhập lậu, đã đẩy người dân vào thế phải tự bảo vệ mình trong tuyệt vọng.

“Không ăn thì chết ngay lập tức, ăn thì chết từ từ” là câu an ủi của nhiều người dân Việt Nam trước quốc nạn thực phẩm bẩn. Nghe nhiều người than thở “đời mình coi như bỏ đi rồi, nhưng thương bọn trẻ con phải ăn thực phẩm bẩn” mà xót xa. Lại nhớ câu chuyện ngụ ngôn về con ếch, nếu bỏ nó vào trong nồi nước nóng, nó sẽ co giò nhảy ra ngay lập tức. Nhưng nếu cho nó vào nồi nước mát và đun ấm lên từ từ, khi phát hiện ra nước quá nóng đã muộn, và con ếch chết chín trong nồi nước sôi. Có lẽ người Việt Nam cũng đang làm quen với thực phẩm độc hại, và nhiều người đã “vui vẻ” ăn mực ngâm hóa chất, thịt lợn nuôi bằng chất tăng trọng, và vô vàn món ăn nhậu ngâm tẩm và chế biến từ thực phẩm bẩn, thối và độc hại. Sau đó, chúng ta khóc thương người thân bị chết vì ung thư, đút tiền cho bác sĩ để chữa bệnh, và nhìn bọn trẻ lớn lên còi cọc. Liệu nòi giống Việt Nam có đáng chịu số phận hẩm hiu này không?

Đã đến lúc nhà nước phải tuyên bố thực phẩm bẩn là quốc nạn, không những làm hại thế hệ hiện tại mà các thế hệ tiếp sau của Việt Nam. Cần tăng cường năng lực và trách nhiệm của cơ quan công quyền trong việc giám sát, kiểm tra và xử phạt các sai phạm. Cần khuyến khích các tổ chức xã hội dân sự hình thành và phát triển để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, và kiểm soát sự liêm chính của việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm, cũng như trách nhiệm thực thi công việc của các cơ quan nhà nước.

Nhưng trên hết, chính từng người dân phải có ý thức lên tiếng và hành động vì an toàn của cá nhân và gia đình mình. Hãy lên án việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn như một sự vi phạm đạo đức trắng trợn. Ngoài việc lựa chọn thực phẩm thông minh, cần nói với đại biểu của mình ở Hội đồng nhân dân các cấp và Quốc hội về vấn nạn thực phẩm bẩn. Cần tham gia, và vận động mọi người tham gia, ủng hộ các tổ chức phi chính phủ, các nhà hoạt động xã hội độc lập trong việc chống thực phẩm bẩn. Có như vậy, chúng ta mới dần dần đẩy lùi được quốc nạn thực phẩm bẩn đang đầu độc và hủy hoại cả dân tộc.

Chúng ta không đáng phải trả tiền mua thực phẩm bẩn để bị đầu độc!

Thái Tuấn

Trả lời

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.